Quảng Nam: Doanh nghiệp may bức xúc vì bị đối xử thiếu công bằng
(NLĐO) – Cùng một địa bàn, cùng ngành nghề nhưng doanh nghiệp ngoại lại được hưởng nhiều chính sách ưu đãi so với doanh nghiệp trong nước, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.
Sáng 23-12, tại Hội thảo Dệt may Việt Nam – Cơ hội và thách thức hội nhập giai đoạn 2016-2020 do Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Quảng Nam tổ chức, nhiều doanh nghiệp may trên địa bàn TP Tam Kỳ đã bức xúc phản ánh sự thiếu công bằng trong cơ chế chính sách giữa các doanh nghiệp may mặc.
Ông Trần Hữu Doãn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tuấn Đạt (Khu công nghiệp Trường Xuân, TP Tam Kỳ) cho rằng từ khi tỉnh Quảng Nam “trải thảm” thu hút Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng (gọi tắt là Công ty Panko) vào Khu công nghiệp Tam Thăng (xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ), nhiều doanh nghiệp may tại địa phương đứng trước nhiều thách thức.
Theo ông Doãn, trong khi lâu nay các doanh nghiệp trong nước đóng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 22% thì Công ty Panko được miễn thuế nhiều năm, doanh nghiệp trong nước phải trả tiền thuê đất thì công ty Panko được cấp hàng trăm ha đất và được miễn tiền thuê đất hơn 10 năm.
Đáng nói hơn, theo ông Doãn, với hơn 2.000 công nhân, mỗi năm công ty ông đóng hơn 5 tỉ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng gần 15 năm qua, công ty nhiều lần xin đất để xây dựng nhà ở cho công nhân nhưng chẳng được cấp một mét đất nào. Trong khi đó, khi Công ty Panko vào tỉnh Quảng Nam thì được cấp ngay 5 ha đất để làm nhà ở cho công nhân.
“Cùng một ngành nghề, cùng đóng trên một địa bàn và chỉ cách nhau một dòng sông nhưng doanh nghiệp nước ngoài lại được ưu đãi nhiều thứ, còn chúng tôi thì bị "o ép", phân biệt đối xử. Làm như vậy chẳng khác nào lấy tiền thuế của chúng tôi đi đầu tư để người ta vào cạnh tranh lại với chúng tôi vậy” – ông Doãn bức xúc.
Ông Doãn cũng giải thích, sở dĩ có sự bất công như vậy là vì dù trên cùng địa bàn của TP Tam Kỳ nhưng Công ty Panko nằm trong địa phận Khu Kinh tế mở Chu Lai, khu vực được Chính phủ cho phép hưởng nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư. “Chúng tôi không dám mong muốn mình được hưởng những chính sách ưu đãi như vậy nhưng chỉ muốn người ta cũng như mình để có sự cạnh tranh một cách công bằng. Còn như hiện tại thì chẳng khác nào mở phía đông mà đóng ở phía tây vậy” – ông Doãn nói.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị doanh nghiệp gửi kiến nghị bằng văn bản
Trước phản ánh của ông Doãn và một số doanh nghiệp may khác, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị ông Doãn gửi phản ánh bằng văn bản cho hiệp hội để hiệp hội có kiến nghị với Thủ tướng về những bất cập trên.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thừa nhận có sự không công bằng giữa doanh nghiệp trong và ngoài Khu Kinh tế mở Chu Lai. Tuy nhiên, ông cho rằng đây là ưu đãi mà trước đây Chính phủ dành cho Quảng Nam để thu hút đầu tư vào khu kinh tế mở. Hiện tại, tỉnh chỉ có thể can thiệp bằng cách hạn chế thu hút các ngành nghề có sử dụng nhiều lao động để các doanh nghiệp bên ngoài ổn định về mặt lao động. Về việc cấp đất cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân, ông Thanh cho biết chưa nghe phản ánh và nếu doanh nghiệp có nhu cầu thì tỉnh sẽ hoàn toàn ủng hộ, không hề có gì vướng mắc.